Bụng đau âm ỉ, đau quặn từng cơn, cơn đau thường xuất hiện khi đói hoặc sau ăn, kèm theo đó là các triệu chứng ợ hơi, ợ chua,… Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng đang ngày một gia tăng và có dấu hiệu trẻ hóa. Chính vì vậy mà các thuốc đặc trị viêm loét dạ dày đang được nhiều người quan tâm. Bài viết dưới đây, PharmaOTC sẽ cung cấp cho bạn đọc các thuốc đặc trị viêm loét dạ dày – tá tràng thông dụng hiện nay.
Tổng quan viêm loét dạ dày – tá tràng
Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng bị tổn thương do các nguyên nhân khác nhau như do nhiễm vi khuẩn HP, thường xuyên sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng phải kể đến như:
- Sử dụng thuốc lá, rượu bia thường xuyên tăng nguy cơ bị loét dạ dày – tá tràng.
- Căng thẳng, stress kéo dài.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ, kém khoa học.
Bệnh nhân khi bị bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng điển hình bao gồm:
- Đau vùng thượng vị, cơn đau có thể xuất hiện khi bệnh nhân ăn no. Với loét tá tràng thì thường đau khi đói hoặc sau ăn 2 đến 3 giờ.
- Cảm giác đầy bụng, rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, táo bón.
- Chán ăn, thường xuyên có cảm giác buồn nôn hoặc nôn.
- Ợ hơi, ợ chua, cảm giác nóng rát vùng thượng vị.
- Bị mất ngủ về đêm do cảm giác đau bụng âm ỉ.
Tiêu chí lựa chọn thuốc theo phác đồ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng của Bộ Y tế
Khi bị viêm loét dạ dày – tá tràng, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, điều trị theo phác đồ do Bộ Y tế đưa ra. Cụ thể như sau:
Nguyên tắc điều trị:
- Dùng thuốc ức chế acid dịch vị và loại bỏ yếu tố tấn công phá hủy niêm mạc để cân bằng yếu tố phá hủy và yếu tố bảo vệ.
- Dùng thuốc điều trị nguyên nhân.
- Phối hợp giữa điều trị bằng thuốc và điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt.
Các nhóm thuốc đặc trị viêm loét dạ dày – tá tràng
Tùy vào nguyên nhân và mức độ tiến triển, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân nhóm thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng phù hợp nhất. Hiện nay có 4 nhóm thuốc chính trị viêm loét dạ dày – tá tràng.
Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Nhóm đầu tiên là nhóm ức chế bơm proton (PPI – proton pump inhibitor).
Nhóm PPI hoạt động theo cơ chế làm giảm nồng độ acid dịch vị bằng cách ức chế các thụ thể tạo HCl trong đường tiêu hóa. Qua đó giúp người dùng giảm tình trạng ợ nóng, trào ngược acid, thúc đẩy quá trình làm lành vết loét.
Nhóm ức chế bơm proton được chỉ định dùng cho các trường hợp:
- Điều trị cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Dự phòng loét cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs trong thời gian dài.
- Phối hợp với kháng sinh trong điều trị loét dạ dày, tá tràng có nhiễm vi khuẩn HP.
- Điều trị cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày.
Một số thuốc thông dụng của nhóm PPI trên thị trường hiện nay như: Omeprazol, Lansoprazo, Pantoprazol, Dexlansoprazole.
Nhóm thuốc kháng Histamin H2
Nhóm kháng Histamin H2 có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng thông qua cơ chế cạnh tranh với các thụ thể H2, giúp ngăn chặn quá trình tiết acid trong dạ dày. Nhóm này có hiệu quả cao khi dùng vào ban đêm.
Ưu điểm của nhóm này là kiểm soát tốt acid dịch vị, ngăn tình trạng acid cọ vào vết loét, giúp vết loét nhanh lành.
Các thuốc kháng Histamin H2 đang được dùng nhiều trong điều trị như: cimetidine, ranitidine, nizatidine.
Nhóm thuốc antacid
Nhóm antacid hay nhóm thuốc kháng acid dịch vị tác dụng nhanh, thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
Cơ chế tác dụng của nhóm này là trung hòa nồng độ acid dịch vị, giúp niêm mạc đường tiêu hóa nhanh lành hơn, giảm đau đớn do acid cọ vào vết loét.
Các thuốc thuộc nhóm kháng acid đang được dùng nhiều trong điều trị hiện nay gồm Aluminium hydroxide, Magnesium carbonate, Magnesium trisilicate.
Nhóm thuốc bao phủ niêm mạc dạ dày
Nhóm cuối cùng là nhóm bao phủ niêm mạc dạ dày. Giống như tên gọi của nó, cơ chế chính của nhóm này là tạo một lớp màng bảo vệ, bao phủ lên bề mặt vết loét, thúc đẩy vết loét nhanh lành. Hạn chế tổn thương niêm mạc vùng dạ dày, tá tràng, giảm đau cho bệnh nhân.
Một số thuốc thường dùng của nhóm này như: Rebamipide, Sucralfate, Misoprostol, Bismuth.
Một số sản phẩm hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng của PharmaOTC
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc
Ngoài dùng thuốc điều trị, người bệnh bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc để giúp vết loét nhanh lành hơn.
Thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày
- Nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng như các hạt nguyên cám, rau củ chứa vitamin A, B, C,…
- Với người đau dạ dày, nên chia nhỏ các bữa ăn, không nên ăn no.
- Hạn chế ăn đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê,..
Có lối sống lành mạnh
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn, người bệnh cũng nên thay đổi thói quen sinh hoạt của bản thân để ngăn ngừa nguy cơ. Người bệnh nên:
- Thường xuyên tập thể dục, thể thao.
- Giảm căng thẳng stress bằng các bài tập nhẹ nhàng.
- Tránh thức khuya, tạo thói quen đi ngủ trước 10 giờ.
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, vape.
Giảm viêm loét dạ dày bằng các biện pháp dân gian
Ngoài uống thuốc Tây y, bệnh nhân có thể áp dụng thêm các biện pháp trị viêm loét dạ dày, tá tràng bằng các mẹo dân gian như:
Dùng nghệ và mật ong
- Trong nghệ có chứa hợp chất curcumin có tác dụng làm lành các vết thương hở, vết loét. Mật ong có tính kháng khuẩn, giúp các vết loét nhanh lành hơn.
- Cách dùng: hòa 10mg bột nghệ với 1-2 thìa mật ong, cho 100ml nước ấm vào cốc. Khuấy đều cho tan rồi uống. Duy trì 2 lần/ngày trước bữa ăn.
Dùng gừng tươi
- Trong gừng có chứa nhiều hoạt chất tốt cho đường tiêu hóa, giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn dễ dàng mà không cần co thắt quá mạnh gây ảnh hưởng đến vết loét, cải thiện chứng ợ nóng, ợ hơi ở người bị bệnh dạ dày.
- Cách dùng: uống một tách trà gừng mỗi sáng. Hoặc giã nhỏ gừng lấy nước cốt, pha với mật ong để uống mỗi sáng.
Dùng lá tía tô
- Lá tía tô có chứa hoạt chất Glucosamine và Tanin có công dụng chống viêm nhiễm, thúc đẩy làm lành vết loét ở người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.
- Cách dùng: đem lá tía tô rửa sạch, đun với nước sôi, sau đó để nguội và uống trong ngày.
Trên đây là thông tin về các thuốc đặc trị viêm loét dạ dày, tá tràng và tiêu chí lựa chọn thuốc theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Nếu bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bài viết, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp trong thời gian sớm nhất.
Biên tập: Nguyễn Thị Thu Hà, lớp QK74 trường Đại học Dược Hà Nội.